Trải thảm đỏ thu hút đầu tư, những năm trở lại đây, thành phố Đà Nẵng được đánh giá là địa phương được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn là điểm đến trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của mình. Trong khi sinh viên theo học ngành tiếng Nhật tại đây chưa nhiều thì một số doanh nghiệp lại đang có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực này với số lượng lớn càng khiến cho thị trường lao động biết tiếng Nhật ở Đà Nẵng trở nên “nóng”
Cách đây hơn 3 năm, Trần Thị Kim Cúc, sinh viên lớp 11CNJ 01, ngành ngôn ngữ Nhật, Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng (quê Quảng Nam) khá băn khoăn khi được người thân tại Đà Nẵng hướng dẫn cho em lựa chọn ngành ngôn ngữ Nhật. Cho rằng đây là ngành mới mẻ, cơ hội việc làm không biết thế nào. Trong khi ngôn ngữ học khá khó, từ mặt viết chính tả đến ngữ pháp, tất cả đều phải làm quen từ đầu như học sinh lớp 1 bắt đầu học tiếng Việt. Vì vậy, Cúc khá nản mặc dù đã đỗ vào trường.
Sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng giao lưu với sinh viên Nhật Bản tại phố cổ Hội An, Quảng Nam
Kỳ đầu bỡ ngỡ, sau gần 4 năm theo học ngành ngôn ngữ Nhật tại trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, giờ đây tiếng Nhật, văn hóa và cả con người Nhật Bản đã trở thành niềm đam mê học hỏi, khám phá của cô sinh viên này.
“Em hiện đang thực tập tại FPT Software Đà Nẵng, một trung tâm xuất khẩu phần mềm thuộc Tập đoàn FPT, chủ yếu làm việc với đối tác Nhật Bản. Ngay khi thực tập chúng em đã được đơn vị cho biết, 2 tháng thực tập cũng là 2 tháng thử việc. Nếu sinh viên làm việc hiệu quả sẽ được nhận vào làm việc ngay” Cúc cho biết.
Cùng thực tập tại FPT Software Đà Nẵng với chuyên ngành ngôn ngữ Nhật, Nguyễn Thị Tâm, sinh viên trường Đại học ngoại ngữ Đà Nẵng cho rằng đây là chỗ làm khá lý tưởng, “Theo em tìm hiểu được, mức lương ở đây cũng khá cao, ngoài việc đảm bảo các chế độ cho người lao động, mức lương hàng tháng đối với nhân viên mới vào làm việc cũng phải từ 6 triệu đồng trở lên. Chưa kể, có cơ hội được đi du lịch nước ngoài…” Tâm chia sẻ.
Với một thành phố trẻ, số lượng các doanh nghiệp trên địa bàn không thể so sánh với hai đầu cầu đất nước như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh thì việc kiếm tìm một công việc phù hợp với chuyên ngành đã học đối với những sinh viên mới ra trường là điều không dễ dàng, chưa nói gì đến mức lương cao hay thấp. Tuy nhiên, đối với nhiều sinh viên theo học ngành ngôn ngữ Nhật tại Đà Nẵng, cơ hội việc làm với mức lương khá dường như nằm trong tầm tay.
Tiếng nhật, văn hóa và cả con người Nhật Bản đã trở thành người bạn thân thiết đối với nhiều sinh viên ngành ngôn ngữ Nhật
“Riêng bộ phận em đang thực tập hiện có khoảng 15 bạn, và nếu trong quá trình thực tập đạt hiệu quả, đơn vị sẽ nhận khoảng 10 bạn trong số chúng em ở lại làm việc luôn”, Trần Thị Kim Cúc cho biết.
Được biết, trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, FPT Software Đà Nẵng là trung tâm xuất khẩu phần mềm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của FPT. Hiện có trên 30 công ty lớn trên thế giới đã chọn FPT Software Đà Nẵng để uỷ thác dịch vụ phần mềm, trong đó phần lớn là các đối tác Nhật Bản.
Chưa kể, vào cuối năm 2013, FPT Software và Công ty Recruit Technologies- Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về phát triển phần mềm. Theo đó, ngay trong giai đoạn từ 2014 – 2016, FPT Software Đà Nẵng cần tuyển khoảng 2.000 nhân viên cho các vị trí kỹ sư cầu nối, biên phiên dịch tiếng Nhật, kỹ sư phần mềm…
Mới đây, sau buổi làm việc với đại diện Tập đoàn FPT, Ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng đã đề nghị Sở GD &ĐT thành phố nghiên cứu đưa ngay môn tiếng Nhật vào dạy ở hệ thống các trường phổ thông trong năm học 2015-2016 tạo tiền đề nhằm đáp ứng nhu cầu lao động biết tiếng Nhật của các doanh nghiệp
Không chỉ FPT Software, hiện tại khu công nghệ cao Đà Nẵng cũng chiếm phần lớn nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Tuy nhiên, theo trường Đại học Ngoại Ngữ Đà Nẵng, địa phương hiện có khoảng hơn 360 sinh viên đang theo học ngành tiếng Nhật, số lượng các sinh viên ra trường mỗi năm so với các ngành nghề khác là không nhiều.
Trong khi nhiều sinh viên ra trường phải chạy đôn chạy đáo để tìm kiếm việc làm thì không ít sinh viên ngành ngôn ngữ Nhật tại Đà Nẵng lại khá tự tin vào cơ hội việc làm. Qua đây cho thấy, trong thời buổi kinh tế hội nhập, việc lao động biết ngoại ngữ đã là một lợi thế, tuy nhiên nếu nắm bắt được xu hướng cũng như nhu cầu xã hội hay chính các doanh nghiệp tuyển dụng đang cần, người lao động sẽ chủ động hơn trong việc lựa chọn, xác định hướng đi của mình. Từ đó mở ra cơ hội việc làm mà không phải ai cũng có được.